Chuyện về những nông dân trồng cà phê Robusta hạnh phúc nhất Việt Nam
Phú là một nông dân trẻ có 2 hecta trồng cà phê vối (cà phê Robusta) ở huyện Đắk R’lấp – Đắk Nông. Làm nông mà bài toán được mùa mất giá mất mùa được giá cứ đeo bám hoài. Phú đọc báo thấy mọi người bảo cafe Việt Nam không phải dở, mà là do làm không đúng cách, cũng không ai định hướng nên chưa có sức cạnh tranh. Vậy là Phú tìm tòi qua internet, giao lưu với các anh em trong ngành để tìm ra một quy trình chuẩn mực nhất. Phú bắt đầu với việc chỉ hái trái chín thay vì tuốt cành cả xanh lẫn chín như trước đây, hái xong rửa sạch sơ chế phù hợp rồi gửi cho các chuyên gia cà phê ở Sài Gòn đánh giá.
Phú trong vườn cà phê Robusta của mình
Thế nhưng, Phú bị từ chối hết lần này đến lần khác, bởi mọi người sử dụng phương pháp đánh giá hạt Arabica với lô hạt Robusta này. Hết chuyên gia khác, ai cũng từ chối cho tới ngày Phú gặp anh Ngô Phi Bay – sáng lập Nam Long Coffee. Như một mối nhân duyên, lúc ấy anh Bay đã có một bảng tiêu chí để đánh giá hạt Robusta và đang đi tìm kiếm hộ nông dân để liên kết sản xuất trực tiếp sau một năm kinh doanh cà phê. Anh Bay cho cupping* rồi đánh giá: Đây là những hạt cà phê Robusta tốt nhất anh từng được thử. Và Phú trở thành hộ nông dân đầu tiên trong Hợp tác xã Fine Robusta Việt Nam do Nam Long Coffee sáng lập.
Ghiền Cà Phê đã có cơ hội trò chuyện cùng anh Ngô Phi Bay – tại xưởng rang của Nam Long Coffee tại Quận 7 trong một ngày cuối tháng 10. Anh kể chúng tôi nghe nhiều hơn về những hạt Robusta về một hợp tác xã cà phê Robusta chất lượng ở Việt Nam.
Hành trình của Hợp tác xã Fine Robusta đầu tiên ở Việt Nam
Vì sao Nam Long Coffee lại chọn Robusta chứ không phải là Arabica? Nhất là khi mà hạt Arabica cho ra hương vị tinh tế hơn, giá trị kinh tế cao hơn?
Thu hoạch – sơ chế cà phê Robusta ở Nam Long Coffee.
Bắt đầu từ vườn của Phú, một mặt Nam Long Coffee cùng nghiên cứu những chuẩn mực để tạo ra những hạt Robusta chất lượng nhất. Mặt khác đi thuyết phục những chuỗi quán cà phê tiêu thụ những hạt cà phê thành phẩm này. Điều đáng buồn là chủ quán cà phê lớn tuổi thường đã quen với cà phê tẩm, và không chấp nhận những hạt cà phê nguyên chất thật sự do Nam Long cung cấp. Anh Bay kể “Mấy cô chú nói mà anh cũng không biết cãi thế nào. Họ bảo họ uống cà phê có trộn bơ bắp đậu nành cả đời rồi mà có sao đâu, anh chỉ biết cười trừ.”Nhưng điều đáng mừng bên cạnh là những chủ quán trẻ có tư duy cởi mở hơn, họ thử và dần bị thuyết phục bởi chính chất lượng của cà phê.
Trong năm đầu thử nghiệm, hai người bạn của Phú – cũng là những nông dân trẻ tuổi, đã theo dõi quá trình làm việc cùng Nam Long Coffee và tham gia vào hợp tác xã. Cứ như vậy, sau 3 năm, hợp tác xã đã có 12 hộ và lúc nào cũng hỗ trợ lẫn nhau. Cứ một hộ làm tốt thì sẽ hướng dẫn và hỗ trợ 3 hộ còn lại. Việc tăng trưởng không quá nhanh nhưng bền vững. Điều đáng mừng nhất là thu nhập của người nông dân ổn định hơn. Dưới đây là 3 lý do:
– Giá cà phê thành phẩm cao hơn: cà phê hạt xanh (hạt chưa rang) có giá từ 29-45.000₫/kg. áp dụng quy trình chuẩn mực cho ra Fine Robusta sẽ được Nam Long Coffee mua lại với giá 50-65.000₫.
– Bao tiêu đầu ra: khi đó người nông dân chỉ cần làm tốt việc của mình là sản xuất cà phê thật chất lượng thôi.
– Giá trị bền vững: Việc không sử dụng thuốc diệt cỏ, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học trước mắt sẽ tốt cho sức khỏe người nông dân, và đất không bị thoái hóa nhanh như khi sử dụng quá nhiều phân bón hóa học.
Song song với việc mở rộng quy mô, Hợp tác xã Fine Robusta hướng đến việc phát triển thương hiệu cho một số hộ có chất lượng cà phê tốt nhất. Như vườn của bạn Phú – người nông dân đầu tiên của hợp tác xã sẽ có vị trà atiso rõ rệt. Tuy nhiên, đến năm 2018, những thương hiệu này mới được tung ra, bởi mọi người cần theo dõi sự ổn định và đảm bảo chất lượng tốt nhất. Vẫn với tinh thần không nhanh nhưng bền vững.